Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.

22/09/2021

Những gì chúng ta ăn suốt thời thơ bé, sẽ làm nên chúng ta khi lớn - nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sắc vóc, sức khoẻ, chiều cao, trí tuệ, tâm tính… được quyết định khá nhiều bởi chất lượng thực phẩm dung nạp và lối sống của mỗi người từ nhỏ.
Hôm trước mình có nói chuyện với một bác sĩ dinh dưỡng, chị ấy bảo Gen di truyền chỉ ảnh hưởng 23% chiều cao của trẻ, quyết định 77% là chế độ dinh dưỡng - môi trường sống -và hoạt động thể lực. Chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện tại mới đạt 168,1 cm (ở nam) và 156,2 cm (ở nữ), thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình phần lớn các nước châu Á. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng Quốc Gia 2020, thì cứ 5 em nhỏ VN sẽ có hơn 1 em bị suy dinh dưỡng thể còi và 1 em bị béo phì, và cả 2 nhóm trẻ này đều ở nguy cơ bị lùn cũng như đối diện với các vấn đề sức khoẻ.
Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và thiếu vi chất thường ở các gia đình điều kiện sống khó khăn, vùng nông thôn và miền núi (tỉ lệ suy dinh dưỡng các em nhỏ người Mông lên đến 65%), các em rất dễ bị suy yếu hệ miễn dịch và mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Đáng chú ý, tất cả các cơ quan của trẻ đều giảm phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến trí tuệ, chiều cao và tầm vóc của trẻ.
Nhưng trẻ béo phì lại đang là nỗi lo của bố mẹ thành phố, (tại TP HCM, cứ 10 em nhỏ thì 5 em bị chứng béo phì) . Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Y – Xã hội công bố: 30% bà mẹ có con bị thừa cân không biết trẻ đã thừa cân, 15% số bà mẹ có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục tăng cân, nhiều bà mẹ muốn con dư cân để dự phòng những lúc trẻ ốm. Một em nhỏ thừa cân sẽ phải gánh theo rất nhiều điều tội nghiệp: tự ti về ngoại hình, dậy thì sớm, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gan mật nhiễm mỡ, cao huyết áp, thoái hóa khớp, xơ vữa động mạch…
Việc hoạt động thể lực phần nào đó sẽ cân đối lại những thứ bị chế độ dinh dưỡng sai lấy mất. Nhưng chỉ là các vận động nhẹ như đi lại sẽ không đủ để hệ cơ xương của trẻ phát triển đạt mức cần thiết. Trẻ em cần vận động 120 phút mỗi ngày, trong đó ít nhất 60 phút hoạt động thể lực mức độ trung bình đến mạnh với các môn thể thao (bóng đá, bóng rổ, bơi lội...), và hoạt động này phải hơn 3 lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả. Bố mẹ cần tranh thủ con ở lứa tuổi có hứng thú vận động (từ 6-12 tuổi) để truyền niềm vui với thể thao cho con, khi trẻ lớn hơn không có nếp thường ngại vận động và nghĩ đến thể thao là muốn lùi bước (đến đây thì òa khóc vì chính mình cứ nghĩ đến tập thể dục là vội vã quay xe😭😭😭).
Cuối tháng 3, mình được mời đi Sơn La cùng nhóm kiểm tra mô hình điểm “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Điểm đến là trường tiểu học Tô Múa, xã Vân Hồ. Nếu so sánh với các tỉnh miền núi và nhiều vùng nông thôn mình đã đi, điều kiện sống ở đây khá tốt do thiên nhiên ưu đãi và người Thái vốn là tộc người chăm chỉ, khéo vun vén. Thế nhưng khi nhìn những cặp lồng cơm của các em bé mang đi học ở điểm trường phụ, mình cay xè mắt vì chúng thực sự cách qua xa với những gì trẻ con ở dưới xuôi được chăm chút. Ở lớp mầm non 100% các cặp lồng mang đi không có tí rau nào, có con chỉ có ít cơm độn khô rời từng hạt, nhiều con mang theo cả những viên thịt xanh đỏ mà báo nhiều lần đưa tin là thực phẩm độc hại được tuồn từ biên giới vào. Ở trường trung tâm có bếp ăn khá đàng hoang, phụ huynh đóng 12 ngàn/ngày, trừ tiền ga củi mắm muối, các con được ăn 10 ngàn/ ngày, “đó là cố gắng hết mức của bố mẹ rồi, vì nhiều gia đình chỉ đủ điều kiện để con được ăn no chứ không dám nghĩ ăn ngon hay ăn đủ chất” - thầy hiệu trưởng Tô Múa nói.
Dự án điểm này của Bộ GD được áp dụng tại 10 địa phương, với thời gian từ tháng 8/2020 – tháng 5/2021, đối tượng can thiệp là trẻ mầm non và tiểu học. Mỗi con sẽ được tài trợ để tăng thêm khẩu phần ăn, từ 3.000đ đến 8.000đ (tuỳ thực tế) và 1 hộp sữa tươi mỗi ngày; Bên cạnh đó tăng cường các bài vận động nâng cao thể lực. Đội ngũ chuyên gia sau khi khảo sát được hiện trạng thể lực của trẻ, sẽ lên những bộ thực đơn dinh dưỡng cân bằng để can thiệp cả nhóm trẻ béo phì và nhóm trẻ thấp còi, bên cạnh đó xây dựng những bài tập và thiết bị để trẻ được hoạt động thể lực đúng nhu cầu phát triển của cơ thể. Kết thúc thời gian nghiên cứu, các con sẽ được đánh giá xem hiệu quả của quá trình can thiệp, để từ đó có khuyến nghị xây dựng chính sách dinh dưỡng và hoạt động thể lực học đường cho học sinh cả nước.
Có thể bạn sẽ chẳng tin vào kết quả của vài ngàn bé nhỏ đó khi ở phố mỗi sáng chỉ ngồi cafe bạn đã tiêu bằng tiền ăn thêm trong 1 tháng để đỡ thấp còi cho 1 em nhỏ miền núi, hay tăng rau và chất xơ cho em nhỏ thành phố. Nhưng với chút ít đó thôi, trường thu xếp được thêm miếng thịt cho trẻ, có ít tôm hoặc thịt xay cho vào nồi canh để trẻ chịu ăn rau. Trường Tô Múa có tự trồng 1 vườn rau nhỏ, để giảm chi phí phải mua và các con được ăn rau an toan. Thầy hiệu trưởng kể, “từ khi thêm thức ăn dinh dưỡng, các con đều ăn hết cơm, nhiều phụ huynh lên trường xin thực đơn về nấu cho con ăn. Các cô cấp dưỡng vất vả vì phải đi học để về nấu đúng quy cách của bộ thực đơn yêu cầu, chế biến phức tạp hơn nhưng nhìn lũ trẻ ăn rào rào thì người lớn ai cũng cố gắng”.
Hết tháng 5 này là các con lại quay về chế độ ăn cũ vì hết thời gian can thiệp thí điểm. Nhưng 9 tháng kèm sát giữa nhà trường – phụ huynh và đội ngũ chuyên gia, hẳn phải để lại điều gì đó với bố mẹ. Bởi mục đích quan trọng nhất không phải tặng thêm vài ngàn mỗi ngày, mà là THAY ĐỔI QUAN NIỆM của phụ huynh về dinh dưỡng và thể lực của con mình. Nghĩa là tự bố mẹ sẽ đứng cùng nhà trường, để trọn vẹn một ngày của trẻ được chăm sóc cân bằng và khoa học. Trẻ cần được chạy nhảy và chơi thể thao. Ngoài đạm động vật, trẻ phải được ăn rau (thường là món tụi con nít trốn cho bằng được, nhiều bố mẹ cũng kệ nếu con từ chối mà không kiếm cách để nấu món rau thật ngon) và uống sữa - như một thứ “quyền dinh dưỡng” đương nhiên.
Trên Thế giới, nhiều quốc gia đã quyết liệt thúc đẩy tăng chất lượng thể chất và sức khỏe của người dân bằng can thiệp toàn diện ngay từ bữa ăn trong trường học. Mỹ đã áp dụng “Bữa trưa trường học Quốc gia” từ 1946, Nhật Bản đưa Bữa ăn học đường vào Luật từ 1954, và rõ ràng những thế hệ công dân của họ đã được cải thiện thể lực và chiều cao ở mức đáng ngưỡng mộ. Mong sao Bữa ăn học đường cấp quốc gia ở VN sớm được áp dụng, để cải thiện được triệt để các vấn đề về thể chất như thấp lùn, suy dinh dưỡng, thừa cân- béo phì của người Việt thế hệ tương lai.
Nhưng dù gì trẻ con cũng chỉ ở trường có 8h mỗi ngày, trao hết trách nhiệm về ăn uống và hoạt động thể chất cho trẻ vào tay nhà trường là điều không ổn. Không chiều chuộng con ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt, và các thực phẩm nhiều hóa chất mang vị ngon giả tạo. Cũng không thỏa hiệp cho con trốn ăn rau xanh, né vận động thể lực. Mẹ chịu khó sáng tạo thực đơn vừa là đầu bếp vừa là “bác sĩ dinh dưỡng”, bố truyền cảm hứng về thể thao, chắc chắn con có những thay đổi tích cực về thể lực và chiều cao.
 
 
 

 
 

 
 
 
Theo Nguyễn Quỳnh Hương ( trang facebook)