Bảo đảm dinh dưỡng và thể lực cho trẻ

01/04/2021

Trường Mầm non (MN) Sơn Ca (TP.Tam Kỳ) là một trong 20 trường ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ GD-ĐT chọn thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”, hướng đến cải thiện dinh dưỡng và nâng cao thể lực của trẻ.

Bữa ăn trưa của trẻ ở Trường Mầm non Sơn Ca (Tam Kỳ). Ảnh: C.N
 
Cải thiện dinh dưỡng

Mô hình được thực hiện trong năm học 2020 - 2021. Từ đầu năm, Trường MN Sơn Ca đã được các chuyên gia giáo dục, dinh dưỡng, thể chất đến từ Bộ GD-ĐT, Viện Dinh dưỡng, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.Hồ Chí Minh, bếp trưởng trường học... hướng dẫn lý thuyết và thực hành.
Nhân viên cấp dưỡng Trường MN Sơn Ca được trực tiếp hướng dẫn cách chế biến từng món ăn sao cho ngon, hấp dẫn, đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với tình hình thực tế ở Quảng Nam. Giáo viên được tập huấn và hướng dẫn các bài tập phát triển thể lực cho trẻ.
Cô Phan Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca cho biết, nhà trường thực hiện đúng thực đơn được Bộ GD-ĐT xây dựng theo từng tuần với các món ăn hấp dẫn, phong phú, phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trẻ sử dụng khay đựng cơm và thức ăn, tự lựa chọn thức ăn, tạo hưng phấn trẻ ăn hết suất và rèn tính tự lập…
Theo các giáo viên của Trường MN Sơn Ca, từ khi được Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện đề án thực đơn của trẻ phong phú hơn; trẻ hứng thú với những món ăn lạ. Ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ huynh nhà trường cho hay, con ông vốn lười ăn các loại rau quả, nhưng từ khi nhà trường áp dụng mô hình ông rất hài lòng khi cháu biết ăn nhiều loại rau củ quả và nhiều món mới lạ. Hơn nữa, đề án có hỗ trợ sữa TH (mỗi cháu trong độ tuổi mẫu giáo được hỗ trợ 1 hộp sữa TH 110ml/ngày), nên trẻ cũng ham đến lớp, đi học chuyên cần hơn.

Trò chơi vận động giúp trẻ phát triển thể lực.

Nâng cao thể lực
Bên cạnh cải thiện dinh dưỡng, Trường MN Sơn Ca còn được hỗ trợ phát triển thể lực như hỗ trợ dụng cụ phát triển thể lực như các bộ dụng cụ hít xà đơn, chạy dích dắc, đo thể lực, cùng một số dụng cụ khác như vòng thể dục, bóng bàn, bóng ném, xốp lót sàn… Cô Văn Thị Thanh Vân -
Phó Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca cho biết, đối với bài tập vận động, giáo viên bám sát khung mô hình giáo dục thể chất để tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh theo từng độ tuổi thực hiện. Tùy từng bài tập và tình hình thời tiết, giáo viên tổ chức tập luyện trong lớp hay ngoài sân phù hợp.
Cạnh đó, cô giáo tổ chức nhiều trò chơi, lồng ghép trò chơi vào các hoạt động tại trường phù hợp từng độ tuổi, vừa sức của trẻ; sân chơi đảm bảo an toàn. Để trẻ tích cực tham gia trò chơi, giáo viên chuẩn bị một số đồ dùng phù hợp, tổ chức dưới nhiều hình thức. Nhờ vậy, đa số trẻ tỏ ra hứng thú, ham muốn học và chơi cùng bạn, nhất là những trò chơi vận động, mang tính tập thể như: chạy tiếp sức, chạy theo đường dích dắc, đá bóng…
Cô Thanh Vân nhận xét, các bài tập vận động giúp trẻ phát triển về tầm vóc và thể lực. Trẻ tham gia các hoạt động nhanh nhẹn, biết dùng sức, chịu khó tập luyện, phối hợp các động tác khoa học; biết nhập vai tham gia các trò chơi. Ngoài giúp trẻ trải nghiệm, khám phá thực tế, các trò chơi giáo dục còn rèn cho trẻ tính cẩn thận, nhanh nhẹn, sáng tạo.
Có thể thấy, việc thực hiện thí điểm mô hình tại Trường MN Sơn Ca bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực; góp phần nâng cao sức khỏe, phát triển chiều cao, thể lực; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì.
 
Mô hình đặt mục tiêu: tất cả nhân viên làm việc tại các bếp ăn tập thể trong cơ sở giáo dục - giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm; ít nhất 90% cơ sở giáo dục có tổ chức bữa ăn bán trú đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Mọi cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tổ chức theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh đầy đủ. Mỗi cơ sở giáo dục - giáo dục nghề nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động thể lực, phấn đấu mỗi học sinh, sinh viên đạt ít nhất 60 phút hoạt động thể lực/ngày.
 
CHÂU NỮ