Tiêu chuẩn bữa ăn học đường được nhiều nước đưa vào luật nhưng ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tự phát hoặc cảm tính. Thậm chí một số nơi còn xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến học sinh phải nhập viện.
Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng và béo phì vẫn cao
Bữa ăn của học sinh Trường mẫu giáo mầm non 1 (Hải Phòng) hôm nay không giống mọi ngày.
Thay vì cho học sinh ăn hết bát 1 cơm trộn thức ăn mặn, bát 2 chan canh, hôm nay học sinh được ăn theo cách khác.
Theo đó, bữa ăn của mỗi bé có ba bát: Bát cơm, thức ăn và bát canh. Các cô giáo có cân đong, định lượng rõ ràng cho từng bé.
Khi ăn, các bé chia nửa bát cơm đó ăn với thức ăn, nửa bát cơm còn lại ăn cùng canh.
“Việc thay đổi hình thức đem đến cho bé hứng thú với sự mới lạ. Đặc biệt, trước đây, các cô có thể trộn cơm vào canh cho các bé, nếu bé ăn chậm, cơm sẽ không còn ngon nữa”, cô Trương Thị Hồng Thắm, giáo viên nhà trường cho biết.
Được biết, sở dĩ có thay đổi cách thức bữa ăn là do nhà trường tham gia Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên…, giai đoạn 2018 – 2025”, do Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện.
Học sinh Trường mẫu giáo mầm non 1 (Hải Phòng) ăn cháo tại lớp.
Theo đó, trong khuôn khổ đề ăn, bữa ăn học đường ở một số trường sẽ được xây dựng bài bản, từ hình thức đến thực đơn bữa ăn.
Đặc biệt, có tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho mọi đối tượng từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh nhằm thay đổi thói quen thực hành ăn uống lành mạnh của trẻ.
Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng cho biết, địa phương tham gia đề án với hai trường: Mẫu giáo Mầm non 1 và Trường Mầm non Hùng Vương.
Qua khảo sát tại Trường Mẫu giáo Mầm non 1, tỷ lệ suy dinh dưỡng khoảng 3,4-3,5%. Tỷ lệ béo phì cũng tương tự.
Mặc dù tỷ lệ này không cao nhưng rõ ràng nguyên nhân có thể do bữa ăn ở trường học và đặc biệt là bữa ăn ở các gia đình.
“Sau thời gian khảo sát, điều tra, tập huấn, chúng tôi hy vọng trong các trường mầm non, có được những thực đơn đảm bảo dinh dưỡng phù hợp cho các cháu, tránh tình trạng hiện nay thực phẩm, thực đơn cho các cháu chưa phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, ở các gia đình, chưa có nhiều hiểu biết nên cho các cháu ăn quá nhiều chất béo, đạm, cũng là không tốt.
Mục tiêu thứ ba mà chúng tôi hướng tới để đạt được, là ngoài việc quan tâm đến dinh dưỡng làm sao bữa ăn của các cháu đủ vi chất, phải có môi trường để các cháu vận động, tăng cường thể lực”, ông Trà chia sẻ.
Bữa ăn bán trú: Chưa cân bằng dinh dưỡng
Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học.
Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.
Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng và thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn.
Vì vậy, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tươi ngon, đa dạng, phù hợp lứa tuổi và hợp lý chi phí.
Bữa ăn bán trú đôi khi chỉ dừng lại ở mức no và ngon miệng, chưa đáp ứng được các tiêu chí về cân bằng dinh dưỡng hoặc đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu từng lứa tuổi.
Đó là chưa kể, việc thiếu các quy chuẩn và luật định cho dinh dưỡng học đường khi kết hợp với lòng tham và sự thiếu lương tâm của một vài bộ phận trong chuỗi mắt xích cung cấp bữa ăn, đã dẫn đến những sự việc đau lòng.
Gần đây nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một trường tiểu học ở Đông Anh (Hà Nội), hay tại một trường ở Quận 2 – TP. HCM khiến nhiều trẻ nôn ói, đau bụng, sốt, tiêu chảy.
Từ nhìn nhận này, Bộ GD&ĐT thực hiện các chiến lược dinh dưỡng tạo nhằm cải thiện bền vững cả về tầm vóc và thể trạng của người Việt Nam theo Đề án 641; Quyết định 1340/QĐ-TTg, Quyết định 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt xây dựng mô hình điểm "Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam".
Giáo sư Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản - cho rằng, dinh dưỡng học đường là một trong những giải pháp giảm thiểu gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng ngừa suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em.
Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh có vai trò quan trọng trong tổng nguồn dinh dưỡng mỗi ngày của học sinh, tạo nhận thức cho trẻ về dinh dưỡng lành mạnh để áp dụng với các bữa ăn còn lại trong gia đình, tiến tới trở thành thói quen trong cuộc sống của trẻ về sau.
Tại Nhật Bản, quy định về bữa ăn học đường được đưa vào luật từ gần 70 năm trước, quy định cụ thể tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn ứng với từng lứa tuổi, với hàm lượng vi chất, khoáng chất chính xác, tỉ mỉ.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cũng cần có điều luật tương tự.
(Bộ GD&ĐT).
|
M. Hà