Đề án “Sức khỏe học đường” giai đoạn mới: Hành động của Chính phủ vì sức khỏe Thế hệ trẻ tương lai

20/10/2021

Bộ GD-ĐT hy vọng, tin tưởng rằng với cách làm bài bản, chặt chẽ, khoa học và có tính thực tiễn cao, Mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Với những kết quả bước đầu thành công của quá trình triển khai Mô hình “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành kỳ vọng có thể tiếp tục nhân rộng mô hình đến tất cả các tỉnh thành khác trong cả nước nhằm nâng tầm sức khỏe trẻ em Việt Nam lên một cột mốc mới. 
 
Trong nhiều năm qua, sức khỏe tầm vóc của học sinh, sinh viên Việt Nam là một trong những mối quan tâm lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Minh - Trưởng ban chỉ đạo Đề án 41, trong năm học 2020-2021 đã thực hiện xây dựng thành công Mô hình tại 10 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền khác nhau trên địa bàn cả nước. Trong giai đoạn này, Bộ GD-ĐT đã thực hiện bài bản và thu về những thành công nhất định.
 
Hội nghị Tổng kết triển khai Mô hình “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” do Bộ GD-ĐT tổ chức với sự tham gia của hơn 300 đại biểu với nhiều điểm cầu, trong đó có 10 điểm cầu của các tỉnh thành tham gia mô hình và 20 tỉnh thành dự kiến nhân rộng.
 
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Ngô Thị Minh đã một lần nữa nhấn mạnh cho chúng ta về tầm quan trọng cũng như mục tiêu chính của Đề án 41 về sức khỏe học đường của học sinh Việt Nam. 
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: “Luật Giáo dục 2019 và chương trình giáo dục Phổ thông mới 2018 đã chỉ ra những điểm mới trong đó đã đi sâu theo mục tiêu giáo dục Phổ thông là phát triển Đức – Trí – Thể - Mỹ, tiến hành các hoạt động phát triển phẩm chất, năng lực cho người học và giáo dục các kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Với những mục tiêu đã đặt ra thì việc giáo dục thể chất cho các em là quan trọng và thể chất phải đi đôi với dinh dưỡng phù hợp. Chúng ta cần kết hợp dinh dưỡng phù hợp trong các bữa ăn cho các em ở các lớp nội trú, bán trú cũng như tại các gia đình sao cho phù hợp và kết hợp với các hoạt động thể lực hiệu quả. Đây là mục đích đặt ra trong đề án 41 của Chính phủ trong giai đoạn 2018-2025”.
 
Tiến sĩ Ngô Thị Minh - Trưởng ban chỉ đạo Đề án 41. (Ảnh Q.M)
 
Trong suốt khoảng thời gian triển khai Đề án 41, Bộ GD-ĐT đã kết hợp cùng với Bộ Y Tế, Bộ KHCN, Bộ VHTTDL, ban điều phối Đề án 641, Viện Dinh dưỡng, Hội Dinh dưỡng Việt Nam để cùng nhau xây dựng mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.
Tập đoàn TH là đơn vị đồng hành thực hiện Mô hình và dự kiến trong thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục đồng hành cùng Dự án để nhân rộng mô hình tại 20 tỉnh thành khác trong cả nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
“Chúng ta đang trong giai đoạn cần sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ, trong đó là cần chăm lo cho thế hệ trẻ từ cấp độ thấp nhất là mầm non. Có thể khẳng định rằng thành quả đó là sự chỉ đạo khá sát sao của Chính phủ và sự thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước, các chính sách về dinh dưỡng và thể dục thể thao cũng có sự gắn kết.
Trong thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã tham mưu các văn bản, chính sách, hướng dẫn công tác bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường giáo dục thể chất và hoạt động thể lực cho các em trong các trường học. Những việc làm trong giai đoạn vừa qua của Bộ GD-ĐT cùng các Bộ ngành và Tập đoàn TH, các đơn vị thành viên đã từng bước thu hút để cùng đồng hành với chương trình này”, bà Minh chia sẻ.
 
Hưởng ứng tinh thần của buổi Hội nghị tổng kết, đại diện của các tỉnh thành thực hiện Mô hình cũng đã có những ý kiến góp ý về những thành công đạt được, thuận lợi cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai tại các địa phương. Từ đó tham mưu cho Bộ GD-ĐT cũng như các chuyên gia trong Ban Đề án có những phương án kịp thời khắc phục khó khăn hướng tới đạt kết quả tốt nhất.
 
Bộ GD-ĐT hy vọng, tin tưởng rằng với cách làm bài bản, chặt chẽ, khoa học và có tính thực tiễn cao, Mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án “Sức khỏe học đường” là nối tiếp các chương trình liên quan tới Đề án 41 trong giai đoạn 2021-2025. Đây là sự quan tâm sát sao của Chính phủ dành cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Phương Thảo