Hàng chục tỉnh muốn thí điểm mô hình giảm thấp còi, béo phì ở trẻ

09/10/2021

10 tỉnh, thành muốn tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh, 20 địa phương khác muốn tham gia.
Ngày 8/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết triển khai mô hình "Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh" năm học 2020-2021. Đây là mô hình được triển khai đối với trẻ mầm non, tiểu học ở 20 trường thuộc 10 tỉnh, thành gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Sơn La, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng và An Giang. Mô hình này nhằm giải quyết bài toán gánh nặng kép ở Việt Nam là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi và thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì.

Học sinh mầm non ăn bán trú tại trường. Ảnh: Đề án 41 - Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng từ năm 2010 đến 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc giảm từ 29,3% xuống còn 19,6% nhưng có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Cụ thể, tỷ lệ thấp còi của người dân tộc thiểu số cao gấp hai lần người đồng bằng (31,4% so với 15%), tỷ lệ nhẹ cân của hai nhóm đối tượng tương ứng là 21% so với 8,5%.

Tình trạng thiếu vi chất ở trẻ dưới 5 tuổi còn cao, như tỷ lệ thiếu kẽm lên tới 58%, thiếu máu 19,6%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng có xu hướng gia tăng nhanh với 19% trẻ ở độ tuổi học đường bị.

Theo các chuyên gia, gánh nặng kép về dinh dưỡng này phần lớn do chế độ ăn uống và luyện tập thể chất. Trong khi đó, việc tổ chức bữa ăn học đường trong các nhà trường còn nhiều vướng mắc như nhân lực chủ yếu làm thời vụ, năng lực hạn chế; thực đơn chưa đảm bảo. Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học cũng còn nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, sân tập; chương trình học từ năm 2000 còn thiếu nhiều hướng dẫn liên quan đến kỹ năng thực hành.

Vì vậy, khi có mô hình kết hợp giữa bữa ăn học đường và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, các địa phương rất hưởng ứng. Kết quả triển khai mô hình này cũng cho thấy đây là hướng đi đúng. Chẳng hạn với mầm non, chiều cao, cân nặng trung bình của học sinh ở các trường thí điểm đều cải thiện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi từ 3,5% giảm còn 2,49%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì từ 18,55% giảm còn 15,87%.

Mô hình đã đưa ra 40 thực đơn cho mỗi trường mầm non và tiểu học tham gia thí điểm. Các thực đơn này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn học đường cho trẻ, giá thành, nguồn thực phẩm và thói quen ẩm thực của địa phương.

Các hoạt động thể lực được tăng cường với 130 bài tập vận động với dụng cụ đối với mầm non và 118 bài với tiểu học. Hàng chục động tác, tư thế Yoga đơn giản, trò chơi vận động cùng 315 giáo án chi tiết cho từng lứa tuổi cũng được biên soạn.
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị chiều 8/10. Ảnh: Cường Lê

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, đánh giá mô hình bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực là then chốt để giảm thiểu tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì, thừa cân. Đây cũng là kinh nghiệm rất lớn từ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Anh. Vì vậy, nếu có thể mở rộng, chương trình sẽ góp phần lớn để giảm thiểu gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, TP HCM hay Quảng Nam cũng chia sẻ tương tự và mong muốn được mở rộng mô hình này ra nhiều trường. 20 tỉnh, thành khác cũng muốn được tham gia trong năm học 2021-2022.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập đơn vị hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình ở 10 tỉnh, thành trong năm học vừa qua, cho rằng để nhân rộng mô hình này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội bởi sự đóng góp của một tập đoàn chỉ như hạt cát bỏ biển.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh khẳng định sẽ mở rộng mô hình bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh ở nhiều địa phương và với nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Vì vậy, bà cũng mong muốn việc triển trai khải bài bản, không chỉ trong trường học mà còn giúp mỗi gia đình nâng cao nhận thức, tạo ra những thay đổi toàn diện.

Cũng theo bà Minh, việc triển khai tốt mô hình này sẽ là bước quan trọng để thực hiện tốt đề án 41 về "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khoẻ, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025" đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 8/1/2019.
Dương Tâm