Mô hình điểm về bữa ăn học đường trong trường mầm non

11/08/2021

Quảng Nam là một trong 10 tỉnh thành được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chọn thực hiện Mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực trong trường học” (gọi tắt là Mô hình điểm)
    Mô hình điểm được khởi động vào tháng 10/2020 tại trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Tam Kỳ (là trường thực nghiệm) và trường mẫu giáo Sơn Ca, huyện Núi Thành (là trường đối chứng).
Để chuẩn bị cho việc triển khai can thiệp Mô hình điểm theo thực đơn cân bằng dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ, Ban điều hành (BĐH) Mô hình điểm đã phối hợp với các chuyên gia về dinh dưỡng và thể lực triển khai khảo sát ban đầu về tình trạng dinh dưỡng, các hoạt động thể lực, kiến thức thực hành về dinh dưỡng và bữa ăn bán trú tại trường mầm non Sơn Ca, thành phố Tam Kỳ và trường mầm non Sơn Ca, huyện Núi Thành. Trên cơ sở thông tin ban đầu về kết quả khảo sát, BĐH đã tổ chức triển khai các buổi tập huấn chuyên sâu về dinh dưỡng và thể lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nấu ăn tại trường can thiệp (trường mầm non Sơn Ca, thành phố Tam Kỳ).
    Với sự chỉ đạo sâu sát của BĐH, sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia và sự giám sát của Sở GDĐT, trường mầm non Sơn Ca đã triển khai thực hiện Mô hình điểm theo đúng hướng dẫn, đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện của địa phương. Mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực trong trường học được áp dụng cho 485/485 trẻ độ tuổi mẫu giáo, có 100% trẻ được can thiệp.
    Về hoạt động triển khai áp dụng thực đơn mới, trường mầm non Sơn Ca được các chuyên gia phối hợp hỗ trợ điều chỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng, tỷ lệ các chất sinh năng lượng theo quy định tại Thông tư 28/2016/TT-BGDDT và Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam; đồng thời phối hợp nhiều loại thực phẩm sẵn có tại địa phương để tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ tuổi nhỏ, cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng đặc biệt là vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các món ăn trong thực đơn đã được xây dựng bằng cách phối hợp nhiều loại thực phẩm để tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn và tăng giá trị dinh dưỡng cho thực đơn. Nhà trường chế biến các món ăn dựa theo định lượng sống sạch đã được tính toán cho từng món ăn, vận dụng kỹ năng chế biến món ăn phù hợp với trẻ em đã được tập huấn như kỹ năng cắt thái, kỹ năng nấu một số món canh, xào, hầm, bún miến phở… để có thể tạo ra các món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng và khuyến khích trẻ tăng cường ăn rau, các thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản…Nhà bếp phối hợp với các giáo viên trong việc chia ăn để đảm bảo các món ăn ngon, nóng. Bên cạnh đó môi trường ăn cũng đóng vai trò quan trọng nên giáo viên phải tạo được cảm giác thư giãn, dễ chịu, hứng thú cho trẻ khi ăn, sắp xếp cho trẻ có ít nhất là 20 phút cho bữa trưa, khuyến khích học sinh tự phục vụ trong bữa ăn.
Chế biến theo mô hình bữa ăn học đường tạo hứng thú cho trẻ- Ảnh TN
    Ngoài việc được các chuyên gia phối hợp xây dựng 40 thực đơn bữa ăn bán trú phù hợp với mức thu, thực phẩm và thói quen ẩm thực tại địa phương, nhà trường còn được BĐH Mô hình điểm hỗ trợ mỗi trẻ 01 hộp sữa TH True Milk/ngày (trẻ được uống vào mỗi buổi chiều); hỗ trợ 480 khay ăn cho trẻ để trẻ tự phục vụ khi ăn.
    Song song với hoạt động triển khai áp dụng thực đơn mới, giáo dục dinh dưỡng là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình giáo dục mầm non nên việc đẩy mạnh các hoạt động này thông qua việc giới thiệu món ăn và các bài học về môi trường xung quanh là rất cần thiết luôn được nhà trường chú trọng. Giáo viên đã lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng vào các giờ hoạt động giáo dục cho bé một cách linh hoạt, phù hợp. Qua đó, các bé đã lĩnh hội được tên gọi thực phẩm, lợi ích của từng loại thực phẩm, cách chế biến thực phẩm… Ngoài ra, các bé còn được trải nghiệm cách trồng rau củ, quá trình chăm sóc rau củ và tự tay thu hoạch sản phẩm của mình. Những hoạt động trải nghiệm này đã mang lại cảm giác hào hứng cho trẻ.
Hoạt động trải nghiệm của trẻ tại trường Mầm non Sơn Ca- Ảnh TN
    Cùng với bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng, hoạt động thể chất nhằm tăng cường thể lực cho trẻ được nhà trường triển khai theo đúng hướng dẫn của chuyên gia. Các bé được thực hành các nhóm bài tập theo độ tuổi như: nhóm bài tập về Mắt: tập nhìn theo hướng đơn, nhìn theo hướng chếch, tập Xoay nhãn cầu; bài tập với bục: Bật bục 2 chân, bước bục đổi chân; bài tập với khung sắt/ xà đơn/ thang dóng; bài tập với con lăn/ống lăn;
bài tập với bóng…Ngoài ra, các bé còn được tập các tư thế Yoga đơn giản, phù hợp độ tuổi của bé như tư thế đỉnh núi (đứng); tư thế ngồi kim cương (ngồi); tư thế vịt đi (bò/đi); tư thế tập bơi (nằm sấp); tư thế đạp xe (nằm ngửa)…Với những bài tập vận động mới lạ cùng với dụng cụ được hỗ trợ từ Mô hình điểm như bộ đồ dùng hít xà đơn, bộ đồ dùng chạy dích dắc, bộ dụng cụ đo thể lực, vòng thể dục, bóng bàn, bóng ném, tấm xốp lót sàn… đã thu hút trẻ tham gia luyện tập tích cực.
 
Các bài tập tăng cường thể lực theo hướng dẫn của chuyên gia. Ảnh TN
     Sau hơn 06 tháng triển khai Mô hình điểm, nhà trường đã ghi nhận được những thay đổi tích cực trong từ trẻ, các bé đã dần quen với những bữa ăn có nhiều rau củ quả hơn trước đây, món ăn được chế biến đa dạng nên bé ăn ngon miệng hơn, kỹ năng tự phục vụ trong ăn uống văn minh hơn, kỹ năng chế biến món ăn của nhân viên nấu ăn thành thạo hơn, chính điều này đã cải thiện về mặt thể chất, dinh dưỡng cũng như trí tuệ để giúp các bé phát triển toàn diện hơn. Về thể lực, với những bài tập vận động phù hợp đã giúp các bé bước đầu hình thành các vận động cơ bản của cơ thể và các vận động này cũng là nền tảng của các loại vận động được vận dụng trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó có thói quen rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ.
    Đặc biệt hơn nữa là Mô hình điểm đã thay đổi nhận thức từ phụ huynh qua công tác tuyên truyền của nhà trường về bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, phụ huynh đã ủng hộ nhà trường từ chủ trương cho đến các điều kiện cần khác để đảm bảo chất lượng cần đạt được từ Mô hình điểm này.
    “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên” dành cho trẻ em mầm non tỉnh Quảng Nam là một trong những Mô hình điểm góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, giai đoạn 2018-2025. Trong thời gian đến, Sở GDĐT Quảng Nam sẽ có kế hoạch triển khai nhân rộng Mô hình điểm Bữa ăn học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.
GD&ĐT Quảng Nam số 1