Trường thực nghiệm hoa hồng triển khai mô hình điểm - đề án 41

27/04/2021

Đề án 41 - Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực trong trường học (gọi tắt là Mô hình điểm) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khởi động từ tháng 10/2020. Trường Thực nghiệm Hoa Hồng và trường Mầm non Thực hành Hoa Sen là các trường mầm non thực hành thuộc trường Cao Đẳng Sư phạm Trung ương, Bộ GD&ĐT được chọn thực hiện “Mô hình điểm” này. Trong đó, trường Thực nghiệm Hoa Hồng là trường can thiệp và trường Mầm non Thực hành Hoa Sen là trường đối chứng.
Trước khi triển khai Đề án, Ban điều hành đã đến trường khảo sát về cơ sở vật chất, phối hợp với các chuyên gia dinh dưỡng và thể chất tiến hành khảo sát ban đầu về thể lực, tình trạng dinh dưỡng, các hoạt động thể chất, kiến thức thực hành về dinh dưỡng và bữa ăn bán trú của 02 trường mầm non tại Hà Nội đó là trường Thực nghiệm Hoa Hồng và trường Mầm non Thực hành Hoa Sen thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Trên cơ sở đó Ban điều hành đã tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về dinh dưỡng và các hoạt động thể chất cho cán bộ quản lý, kế toán ăn, đội ngũ nhân viên nấu ăn và các giáo viên. Đội ngũ nhân viên nấu ăn được hướng dẫn trực tiếp và thực hành chế biến rất nhiều món ăn mới kết hợp các loại thực phẩm và rau củ quả ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, các giáo viên ngoài việc được tập huấn nâng cao hiểu biết về thực hiện dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh các bệnh suy dinh dưỡng, béo phì ở trẻ cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, ung thư, tăng cường miễn dịch - phòng chống bệnh tật... các giáo viên còn được tập huấn hệ thống bài tập, chơi vận động đơn giản tích hợp với chương trình giáo dục cho phù hợp với điều kiện thực tiễn giúp học sinh tăng cường vận động nâng cao sức khỏe, phát triển chiều cao, thể lực, phòng bệnh tật.
 
Về hoạt động triển khai áp dụng thực đơn mới, Trường Thực nghiệm Hoa Hồng được các chuyên gia và Ban điều hành phối hợp chặt chẽ, thực đơn mới được gửi xuống trường, sau khi nhà trường có ý kiến đóng góp có thể thay đổi một vài loại thực phẩm hoặc rau (ăn rau đúng mùa) và gửi lại Ban điều hành để điều chỉnh.... Với phương châm sử dụng nhiều loại thực phẩm sẵn có tại địa phương, đúng mùa để tập cho trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh, phong phú ngay từ nhỏ, cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các món ăn trong thực đơn đã được xây dựng bằng cách phối hợp nhiều loại thực phẩm để tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn (cả về màu sắc và mùi vị) vừa làm tăng giá trị dinh dưỡng vừa kích thích sự ngon miệng của trẻ. Nhà trường chế biến các món ăn theo định lượng đã được tính toán kỹ lưỡng cho từng món và từng trẻ. Đội ngũ nhân viên nấu ăn đã được đào tạo cơ bản cộng thêm việc được tập huấn nâng cao năng lực, phát triển các kỹ năng chế biến từ các đầu bếp có kinh nghiệm, tay nghề cao của Đề án. Các kỹ năng như: Kỹ năng cắt thái, kỹ năng nấu một số món thức ăn mặn, canh, xào, hầm, ... ngon và bổ dưỡng, trẻ ăn ngon và tăng cường lượng rau xanh cũng như các thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản, ... Bên cạnh đó môi trường và không khí giờ ăn cũng rất quan trọng nên giáo viên phải tạo được cảm giác thư giãn dễ chịu, hấp dẫn, hứng thú thậm chí là hồi hộp chờ đợi được ăn món ăn mới do các đầu bếp "Master Cheft" chế biến và khuyến khích trẻ tự phục vụ trong bữa ăn.
 
Song song với hoạt động triển khai áp dụng thực đơn mới, giáo dục dinh dưỡng là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình giáo dục mầm non nên việc đẩy mạnh các hoạt động này thông qua việc giới thiệu món ăn, các thực phẩm để chế biến ra món ăn đó cũng như các bài học về dinh dưỡng qua các tiết môi trường xung quanh là rất cần thiết luôn được nhà trường chú trọng quan tâm. Giáo viên đã lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng vào trong các hoạt động giáo dục cho trẻ một cách linh hoạt, nhẹ nhàng. Qua đó trẻ biết được tên gọi của một số thực phẩm quen thuộc, lợi ích và cách chế biến, ... đến lớp mẫu giáo lớn trẻ có thể phân loại được thực phẩm theo các nhóm: giàu protein, giàu lipit, giàu gluxit hay vitamin.
 
Hoạt động thể chất nhằm tăng cường thể lực cho trẻ cũng được nhà trường triển khai theo đúng hướng dẫn của chuyên gia. Trẻ được thực hành các nhóm bài tập rất đầy đủ từ các bài tập cho mắt, cổ, tay vai, hông lườn cho đến chân, đây là các nhóm bài tập động tác không yêu cầu sử dụng dụng cụ, trang thiết bị cho đến các nhóm bài tập có yêu cầu dụng cụ, trang thiết bị như bài tập với bục, thảm, khung sắt/xà đơn/thang dóng và bài tập với bóng, với con lăn/ống lăn, với dây chun và dây treo. Hệ thống bài tập đa dạng phong phú, hay và hấp dẫn trẻ, phù hợp với các độ tuổi và giúp cho sự phát triển về thể chất cho trẻ. Nhà trường đã xây dựng rất nhiều các video chất lượng tốt hướng dẫn các bài tập thể chất phục vụ Đề án.
 
Sau 04 tháng triển khai Mô hình điểm, nhà trường đã ghi nhận sự thay đổi tích cực trong từng trẻ, các bé đã bước đầu quen dần với bữa ăn có thêm món xào và nhiều rau củ hơn trước đây, các món ăn phong phú, cách chế biến đa dạng, món ăn nhiều màu sắc, mùi vị, ... nên trẻ ăn ngon miệng hơn. Kỹ năng chế biến món ăn của nhân viên nấu ăn thành thạo hơn, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm hay, bổ ích giúp cho việc triển khai các thực đơn dễ dàng hơn. Không chỉ dừng lại ở sự tác động tích cực đối với trẻ và nhân viên nấu ăn, mà Mô hình điểm còn tác động trực tiếp làm thay đổi cách suy nghĩ và thói quen ăn uống của nhiều giáo viên trong trường, họ đã biết cấu trúc lại bữa ăn trong chính gia đình mình, từ đó họ biết cách tác động đến trẻ ở lớp, động viên trẻ ăn hết suất của mình. Về thể lực, với hệ thống bài tập phong phú, phù hợp với độ tuổi có sự hấp dẫn đối với trẻ nên trẻ rất tích cực tham gia vận động, từ đó trẻ có thói quen rèn luyện và giữ gìn sức khỏe.
 
Đặc biệt hơn nữa là Mô hình điểm đã thay đổi nhận thức của một bộ phận đông đảo phụ huynh qua công tác tuyên truyền của nhà trường, hoạt động hội thảo dành cho phụ huynh về bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, phụ huynh đã ủng hộ nhà trường từ chủ trương cho đến các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo chất lựơng của đề án.
 
Mô hình điểm "Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam" qua quá trình triển khai đã cho thấy tính phù hợp và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giúp trẻ nâng cao hiểu biết và thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc. 

1. Một số hình ảnh về bữa ăn của trẻ trường Thực nghiệm Hoa Hồng
 
2. Một số hình ảnh bài tập vận động
Bài tập lăn bóng  - Các bé 3 tuổi -MGB 5B
 
TC Mèo đuổi chuột  - Các bé 3 tuổi -MGB 5B
 
Trò chơi chèo thuyền - các cháu 4 tuổi MGB 5B
 
Bài tập với bục: Bật bục 2 chân- các cháu 5 tuổi MGN 10B
 
Trò chơi Bật nhảy tiếp sức - các cháu 6 tuổi MGL 8A
 
Trò chơi thổi bong bóng - các cháu 6 tuổi  MGL 5A
 
Trò chơi con lăn di chuyển - các cháu 6 tuổi MGL 5A
 
Phạm Thị Kim Huệ
Phó Hiệu trưởng trường Thực nghiệm Hoa Hồng, Hà Nội