Hội nghị tập huấn Triển khai mở rộng Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường tiểu học

20/04/2021

Thực hiện Công văn số 33/BĐHMH996 ngày 16/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức tập huấn Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, sáng ngày 10/11/2020 tại Hội trường Trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP Huế, Vụ Giáo dục Thể chất Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế tổ chức tập huấn triển khai mở rộng Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các huyện, thị xã và thành phố Huế.
Đến dự Khai mạc Hội nghị, về phía Đại biểu trung ương có thầy Nguyễn Trọng Kiên, đại diện Vụ GDTC Bộ GD&ĐT; PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cùng các chuyên gia về dinh dưỡng và thể chất; về phía Sở GD&ĐT có thầy Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thầy Phan Văn Hải, Trưởng phòng GDTH Sở GD&ĐT cùng cán bộ cơ quan Sở GD&ĐT; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và thành phố Huế cùng cán bộ quản lý và giáo viên của các trường tiểu học có tổ chức bán trú trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, thầy Đặng Phước Mỹ đã cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Vụ GDTC Bộ GD&ĐT đã triển khai dự án thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường học có tổ chức bán trú được học tập kinh nghiệm, được trang bị kiến thức khoa học về dinh dưỡng và giáo dục thể chất qua đó nâng cao chất lượng công tác bán trú tại tỉnh nhà đồng thời yêu cầu đại biểu tiếp thu, tổ chức báo cáo các nội dung được tập huấn tại trường của mình để thực hiện hiệu quả công tác bán trú trường học trong thời gian đến.

Đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn sẽ được nghe về Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, khảo sát và xây dựng 4 bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với hai nhóm tuổi: 2 Bộ thực đơn Thu-Đông (gồm 20 thực đơn/bộ); 2 Bộ thực đơn Xuân-Hè (gồm 20 thực đơn/bộ) và Giáo dục dinh dưỡng nâng cao KAP (kiến thức, thái độ, hành vi) và mô hình tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ. Từ năm 2021 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả đã triển khai thực hiện để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của mô hình.

Mô hình bảo đảm dinh dưỡng hợp lý (Bữa ăn học đường) kết hợp tăng cường hoạt động thể lực được tiến hành một cách khoa học, bài bản, giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực góp phần quan trọng trong việc cải thiện thể lực và trí lực người Việt Nam.

Kết quả của nghiên cứu từ mô hình điểm sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai.

Hội nghị cũng đã nghe các Đại biểu chia sẻ về công tác bán trú hiện nay của các trường học, được các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và thể chất trao đổi, giải đáp và tư vấn về nghiệp vụ, kỹ thuật liên quan đến công tác tổ chức bán trú và dinh dưỡng học đường.

Tổng kết Hội nghị, thầy Phan Văn Hải, Trưởng phòng GDTH Sở GD&ĐT đã lưu ý các trường tiểu học có tổ chức bán trú vận dụng linh hoạt các nội dung đã được tập huấn, phổ biến đến toàn bộ cán bộ giáo viên nhân viên trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức về dinh dưỡng hợp lý trong trường học, kết hợp vận động thể lực hợp lý để phát triển thể lực cho học sinh đồng thời đề nghị các Phòng GD&ĐT nghiên cứu để chỉ đạo công tác bán trú phù hợp với điều kiện theo từng vùng, miền cụ thể.




Trần Đại Phúc, P.GDTH