Thử nghiệm mô hình bữa ăn học đường khoa học cho học sinh.

16/04/2021

Ngày 17/11, tại TP Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn về “Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam”. Tham gia tập huấn là các giáo viên mầm non, nhân viên bếp ăn và đại diện phụ huynh lứa tuổi mầm non trên địa bàn thành phố.
Mô hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nhằm giải quyết vấn đề dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý ở lứa tuổi mẫu giáo - tiểu học, thông qua can thiệp dinh dưỡng sớm bằng cách xây dựng bữa ăn cân đối, hợp lý về dinh dưỡng song song với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hoạt động thể lực.

Tập huấn về tổ chức bữa ăn học đường. Ảnh minh họa.

Việc triển khai mô hình cũng hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của dinh dưỡng, hoạt động đối với sự phát triển toàn diện tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ, chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ liên quan đến dinh dưỡng đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mãn tính không lây và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi.

Trước mắt, mô hình điểm được thử nghiệm ở 10 tỉnh, thành phố cho học sinh mẫu giáo và tiểu học gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng và An Giang trong năm học 2020-2021 (từ tháng 8/2020 tới tháng 5/2021).

Điểm nhấn của mô hình can thiệp là sẽ khảo sát và xây dựng 4 bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với hai nhóm tuổi: 2 bộ thực đơn Thu - Đông (gồm 20 thực đơn/bộ); 2 bộ thực đơn Xuân - Hè (gồm 20 thực đơn/bộ) và giáo dục dinh dưỡng nâng cao KAP (kiến thức, thái độ, hành vi) cho trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Chăm sóc về dinh dưỡng và vận động tích cực chính là điều kiện cần thiết cho sự phát triển trí lực và hoàn thiện thể chất của cơ thể con người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo. Vì vậy, cần bảo đảm sự phát triển hoàn hảo về thể lực và trí tuệ cho trẻ em trong giai đoạn này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung cũng chỉ rõ: Học sinh tuổi học đường đang chịu gánh nặng kép về suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì, trong đó thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh, suy dinh dưỡng thấp còi vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

Bữa ăn học đường là một cấu phần quan trọng trong khẩu phần cả ngày của trẻ học đường (mẫu giáo, tiểu học) để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng, giúp cải thiện các vấn đề về thể chất (thấp lùn, suy dinh dưỡng, thừa cân- béo phì). Đây cũng là một giải pháp để cải thiện khả năng tăng trưởng ở trẻ em học đường, giảm các bệnh mạn tính không lây.

Song song với vấn đề dinh dưỡng, vận động, tập luyện thể dục, thể thao là yếu tố quan trọng để tăng cường thể trạng. 

Việc xây dựng mô hình với những bài tập, chơi, vận động đơn giản, thích hợp là cần thiết giúp học sinh nâng cao sức khỏe, phát triển chiều cao, thể lực, phòng bệnh tật. Nội dung các bài tập, chơi vận động của trẻ được tích hợp với chế độ sinh hoạt trong ngày. Mô hình bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực được tiến hành một cách khoa học, bài bản sẽ giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực, góp phần quan trọng trong việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt.
Theo TTXVN