"Gà trống nuôi con" và chuyện ông bố đến trường xin thực đơn

13/03/2021

Bữa cơm hôm nay của lớp 5B, Trường tiểu học Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) bắt đầu từ 11h trưa. 3 dãy bàn học được dẹp hết đồ dùng học tập, biến thành bàn ăn.

Hôm nay trời Tô Múa trở rét. Đài thông báo, đây là đợt rét đậm cuối cùng trong năm.
Lường Việt Tùng cọ hai bàn tay cáu đen vào nhau, rồi đưa lên miệng hà hơi cho ấm.
Nhìn xô canh ngùn ngụt khói trong tiết trời giá rét, bụng dạ Tùng bỗng thấy cồn cào.
Bữa cơm hôm nay của Tùng gồm thịt gà om nấm, bắp cải và cà rốt thái chỉ xào cà chua, canh rau cùng một món tráng miệng.
Cơm của Tùng được để trong khay inox sáng bong, mỗi ô đựng vừa vặn một món, riêng canh và cơm được thầy cô cho thêm không hạn định.

Cơm bán trú của Tùng được để trong khay inox sáng bong, mỗi ô đựng vừa vặn một món. 
 

Chỉ một loáng, Tùng đã ăn hết suất cơm. Nhiều bạn nam trong lớp cũng lục tục đứng dậy, vài bạn nam xin thầy thêm cơm, canh.
Thầy Én kể, trước đây nhiều học sinh của lớp phải mang cơm nguội tới trường, những hạt cơm nguội ngắt được để trong cặp lồng, hộp nhựa cùng chút thức ăn ít ỏi không giúp học sinh đủ dinh dưỡng để học tập.
Từ khi nhà trường áp dụng thí điểm mô hình "Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam", 19/20 học sinh của lớp 5B đăng kí ăn bán trú. "Các em thích thú vì được ăn cơm nóng, nhiều thức ăn phong phú và đặc biệt được xin thêm cơm, canh vô hạn định", thầy Én nói.
Nguyễn Gia Bảo năm nay học lớp 4B. Nhà Bảo ở cạnh trường. Trước đây, tan học em chạy ù về nhà ăn cơm với bố và bà nội. Gần 2 tháng nay, cậu bé ăn ở trường, không thích chạy về nhà ăn trưa nữa.
Bảo nhớ lại từ khi còn bé, mình đã thấy bố mẹ thường xuyên cãi nhau. Thế rồi một ngày, sau khi họ đưa nhau ra tòa, Bảo phải về sống với bà nội và bố.

 


Từ đó anh Nguyễn Đăng Lư- bố bảo, trở thành "gà trống nuôi con". Anh Lư kể: "Lúc đầu tôi nấu cơm nhà để trưa con về ăn. Các món qua lại chỉ có trứng tráng, thịt rang. Thế nhưng con bảo, cơm ở trường ngon hơn, được xin thêm cả cơm, canh, nhất là các món thịt thầy cô nấu ngon ơi là ngon.
Ăn xong, con được leo lên giường bán trú đánh một giấc đến giờ học chiều, khỏi phải chạy đi chạy về. Khoảng 2 tháng nay, tôi quyết định cho con ăn ở trường".
Ông bố này cũng chia sẻ, vừa làm bố, vừa làm mẹ quả thật rất khó khăn. Những ngày đầu, bữa cơm tối con đều phụng phịu không chịu ăn. Nhất là các loại thịt, tôi chế biến kiểu gì con cũng bảo không ngon.
"Tôi sốt ruột quá, ngại hàng xóm láng giềng bảo "gà trống" không biết nuôi con. Tôi chạy lên trường, gặp cô Vũ Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ chuyên môn xin thực đơn về nhà tập nấu.
Tất nhiên tôi chẳng thể nấu màu sắc, hấp dẫn được như ở trường nhưng ít ra, giờ tôi biết cách sắp xếp các loại thực phẩm phù hợp và đủ dinh dưỡng", anh Lư ngại ngùng nói.



Suất cơm của học sinh bán trú ở trường tiểu học Tô Múa (trái) và suất cơm của một học sinh mang đi từ nhà chỉ có rau luộc và miếng trứng bằng hai ngón tay cái (phải). 

Giấc mơ ăn cơm nóng ở lớp
Lường Văn Vũ, học sinh lớp 4A- một trong những em trước đây phải mang cơm đến trường. Đến giờ ăn, dù mùa đồng hay hè, cơm của Vũ thường cứng đơ, nguội ngắt.
Cô Hà Thị Thắm, chủ nhiệm lớp 4A cho biết, bố mẹ Vũ đi làm thuê, bữa có bữa không nên gia cảnh khó khăn.
Hàng ngày, Vũ mang cơm ở nhà đến trường, thức ăn hôm có ít rau, hoặc ít cá khô. Nhiều hôm cô giáo phải sẻ thức ăn của mình cho Vũ.
Từ dạo các bạn ở lớp được ăn cơm từ mô hình "Bữa ăn học đường", Vũ thích lắm. Em thèm cảm giác được bê khay inox có những lỗ tròn, vuông, nhỏ xinh, trong đó để mấy thứ thức ăn đầy màu sắc, ấm nóng, cơm, canh thì được xin thêm vô hạn định. Thế rồi đầu năm học này, Vũ được bố mẹ đồng ý cho ăn cơm bán trú thầy cô nấu ở trường.
Thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa cho biết, lúc đầu nhà trường chỉ có 90/125 học sinh ăn bán trú ở trường, số còn lại tự mang cơm nhà.
Chỉ sau 9 tuần thực hiện thí điểm mô hình "Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam", toàn trường có 123/125 học sinh ăn bán trú tại trường.
"Mỗi bữa ăn có giá 15.000 đồng nhưng có hôm lên đến 4 món thức ăn khiến học sinh ăn rất ngon miệng và thích thú.
Đặc biệt, do thực đơn phong phú, cách chế biến cũng được đào tạo bài bản hơn, do đó các món rau được chế biến ngon khiến các em không còn "sợ" rau. Thậm chí có phụ huynh đến tận trường xin thực đơn như bố của Gia Bảo", ông Thự nói.

 

Được biết mô hình này do Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) chủ trì thực hiện, với sự đồng hành của tập đoàn TH true Milk.
Tại Sơn La, có hai trường học được đưa vào thí điểm thực hiện mô hình, gồm: Trường tiểu học Tô Múa ở Vân Hồ và một trường ở huyện Mộc Châu.
Điểm khác biệt của chương trình này, ngoài các giải pháp can thiệp dinh dưỡng sớm bằng cách xây dựng bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng, chương trình còn kết hợp với hoạt động thể lực, nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, sức khỏe phòng tránh bệnh tật cho trẻ em.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho hay, học sinh miền núi thường không được ăn phong phú như ở miền xuôi.
Do vậy, việc áp dụng hàng trăm thực đơn, với nhiều loại thực phẩm phong phú hàng ngày khiến học sinh rất hào hứng.



Thay vì lo cho con ăn đủ, ăn no, phụ huynh và các nhà trường biết cân bằng giữa các thực phẩm để đủ dinh dưỡng.
 

"Trên địa bàn Sơn La có khoảng 50.000 học sinh trong diện được hưởng chế độ bán trú. Tuy nhiên, hiện chỉ có 178 trường thực hiện được, đáp ứng cho khoảng 1/3 nhu cầu học sinh. Phần lớn số học sinh còn lại phải thuê trọ, ở nhà người quen hoặc tự lo ăn trưa.
Khi áp dụng mô hình, tác động lớn nhất là thay đổi nhận thức của thầy cô và cha mẹ. Thay vì lo cho con ăn đủ, ăn no, phụ huynh và các nhà trường biết cân bằng giữa các thực phẩm để đủ dinh dưỡng.
Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc thí điểm tại 2 trường, chúng tôi rất mong muốn được áp dụng ở nhiều trường hơn nữa trong tỉnh", ông Chiến nói.
 

Mô hình được thực hiện tại 10 tỉnh thành cho học sinh mẫu giáo và tiểu học gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế,
Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang trong năm học 2020-2021.
Đây là mô hình nghiên cứu cấp quốc gia có sự hướng dẫn, thẩm định bởi hội đồng khoa học với các chuyên gia y tế, giáo dục, thể thao... tiếp cận tập huấn kiến thức dinh dưỡng lành mạnh cho cả học sinh, giáo viên, phụ huynh thông qua các bữa ăn theo thực đơn mẫu.
Hàng trăm thực đơn mẫu được xây dựng cho các mùa, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực.
Từ năm 2021 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của mô hình.


 

Mỹ Hà